Nâng chất lượng điện phục vụ người dân miền núi
Cùng với nỗ lực triển khai các biện pháp khắc phục sự cố về điện, thời gian qua, Điện lực Hiệp Đức (PC Quảng Nam_ không ngừng cải tiến hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng nguồn điện, đảm bảo nhu cầu phục vụ cho người dân tại địa bàn các huyện miền núi Phước Sơn, Hiệp Đức.
Công nhân Điện lực Hiệp Đức khắc phục sự cố đường dây do dông sét. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Khắc phục sự cố
Ông Nguyễn Tấn Thạnh – Giám đốc Điện lực Hiệp Đức cho biết, những năm trước, do điều kiện thời tiết bất lợi, mưa lớn kèm theo dông lốc cục bộ thường xuyên xảy ra khiến việc cấp điện cho người dân trên địa bàn 2 huyện Phước Sơn và Hiệp Đức gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, địa bàn quản lý của đơn vị khá rộng, kéo dài từ Thăng Bình đến Phước Sơn; đường dây điện lại kết cấu lưới hình tia, chiều dài lớn và đi qua nhiều khu vực người dân trồng cây keo nguyên liệu dọc tuyến hành lang điện. Vì thế, lưới điện liên tục gặp phải sự cố bất ngờ, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn điện phục vụ khách hàng miền núi.
Trước tình hình này, bên cạnh xây dựng nhiều phương án khắc phục tại chỗ, Điện lực Hiệp Đức còn phối hợp với chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ tuyên truyền, đối thoại với người dân để kêu gọi sự hợp tác, tạo điều kiện cho ngành điện lực phát quang hành lang tuyến, đảm bảo an toàn đường dây điện lưới. Đồng thời, tham mưu cấp trên hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo đường dây 35KV và sớm triển dự án cấp điện cho huyện Phước Sơn từ trạm biến áp 110KV Thăng Bình.
“Từ những nỗ lực của anh em trong đơn vị, cũng như sự quan tâm, giúp đỡ từ phía chính quyền các địa phương và điện lực cấp trên, chúng tôi đã cơ bản khắc phục được sự cố gây mất điện cho người dân miền núi Phước Sơn và Hiệp Đức. Nhờ đó, chất lượng điện phục vụ thời gian qua đã dần được nâng lên rõ nét, mang đến sự hài lòng cho khách hàng” – ông Thạnh cho biết.
Theo ông Tưởng Tám – Phó Giám đốc Điện lực Hiệp Đức, sau những lần khắc phục sự cố và triển khai phương án an toàn đường dây, vài năm trở lại đây, tình trạng mất điện đột ngột do sự cố đã giảm, giúp ổn định nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cho chính quyền và người dân miền núi. Đây được xem là nỗ lực chung của anh em trong đơn vị, đã cùng góp sức trong công tác quản lý, vận hành hệ thống điện một cách an toàn, đặc biệt là việc chủ động triển khai các phương án khắc phục sự cố bất ngờ, nhất là trong thời điểm mưa dông, gió lốc thường xuyên xảy ra ở miền núi vào mùa hè.
Ông Tám nói, để nguồn điện được thông suốt, về lâu dài đơn vị rất cần sự phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện trong việc phát quang hành lang tuyến từ nhân dân và chính quyền các địa phương miền núi Phước Sơn, Hiệp Đức.
Nâng cao chất lượng điện
Ông Nguyễn Văn Sự – người dân ở thôn 1 (xã Phước Công, Phước Sơn) cho hay, hơn một năm qua, hệ thống điện lưới quốc gia trên địa bàn huyện Phước Sơn không còn chập chờn. Sau những nỗ lực của chính quyền địa phương và Điện lực Hiệp Đức (đơn vị quản lý cấp điện), những sự cố dần được khắc phục, đảm bảo chất lượng điện sinh hoạt phục vụ khách hàng. Trước đây, do nhiều nguyên nhân khách quan, điện liên tục bị cúp khiến người dân khổ sở.
“Gần đây tình trạng điện cúp đột ngột đã giảm hẳn. Nếu có cúp, ngành điện cũng đều có thông báo trước và nhanh chóng cấp điện trở lại sau khi khắc phục sự cố. Điều này khiến người dân an tâm và hài lòng hơn về chất lượng điện phục vụ nhu cầu cuộc sống” – ông Sự chia sẻ.
Ông Nguyễn Quảng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, trước đây do mưa dông, gió lốc khiến cây cối ngã đổ vào đường dây trên tuyến hành lang, vì thế ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng điện của người dân địa phương. Để đảm bảo an toàn hệ thống điện cũng như chủ động ứng phó trước thiên tai, những năm gần đây, ngành điện lực đã kịp thời phát dọn, xử lý hành lang tuyến, đồng thời thay thế đường dây an toàn, giúp chất lượng điện ngày càng được cải thiện và nâng lên. Liên quan đến dự án đầu tư trạm biến áp 110KV vừa được khởi công tại Phước Sơn, ông Quảng nói, đó là sự kỳ vọng, mong muốn từ khá lâu của chính quyền và nhân dân địa phương. Bởi, khi được đưa vào vận hành, trạm biến áp 110KV không chỉ đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất mà còn góp phần hạn chế sự cố mất điện, do đường điện cũ nằm trong khu vực mất an toàn.
“Để chất lượng điện ngày càng được nâng cao, ngoài việc chủ động và kịp thời ứng phó với dông sét, ngành điện lực cần xây dựng và thay thế hệ thống đường dây cũ. Bởi trước đây, hệ thống đường dây này được đầu tư đã lâu, trong khi thời tiết dông sét ở vùng cao lại khá thường xuyên, vì thế có thể sẽ gây ra sự cố bất ngờ, vừa mất an toàn điện lưới vừa ảnh hưởng đến chất lượng điện phục vụ người dân khu vực” – ông Quảng nói.