Điện về đảo Cù Lao Xanh
Trước đây, đảo Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn) còn được ví là đảo của “người già, trẻ em” bởi khí hậu khắc nghiệt, nghề biển lam lũ quanh năm khiến các lớp thanh niên lần lượt bỏ đảo vào đất liền làm ăn.
Một góc Cù lao xanh nhìn từ trên cao.
Nhưng thời gian gần đây, với việc Tổng công ty Điện lực miền Trung triển khai thực hiện dự án kéo điện lưới Quốc gia bằng cáp ngầm 22kV xuyên biển ra đảo, đã có nhiều người trẻ nghĩ về đảo quê hương, quyết tâm quay về đảo để lập nghiệp, góp phần xây dựng biển đảo quê hương giàu mạnh.
Điện về đảo – Rộng mở hướng phát triển cho Cù Lao Xanh
Một Cù Lao Xanh xinh đẹp nhưng nhiều gian khó
Ai đã đến Bình Định đều biết câu ca: “Bình Định có núi Vọng Phu/Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh”. Cù Lao Xanh là một cụm đảo gồm 3 đảo nhỏ, có vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng. Đảo Cù Lao Xanh nằm gần vịnh Xuân Đài, thuộc xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn. Đảo Cù Lao Xanh có diện tích 365ha, khoảng 650 hộ dân, hiện có gần 3.000 dân cùng các lực lượng vũ trang, biên phòng, đơn vị quản lý hải đăng…,với chiều dài khoảng 4km, nơi rộng nhất 1,2km và được chia làm 3 thôn: thôn Tây, thôn Trung và thôn Đông. Khoảng cách địa lý từ thành phố Quy Nhơn ra Cù Lao Xanh là hơn 20km nhưng lại cách xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chỉ gần 10km. Cù Lao Xanh nguyên là đất của tỉnh Phú Yên được sáp nhập về Quy Nhơn sau năm 1975, đây là một trong các đảo tiền tiêu của Tổ quốc có vị trí chiến lược quốc phòng quan trọng. Từ khi người Pháp xác lập nền thống trị thực dân trên toàn xứ Trung kỳ, Cù Lao Xanh được chọn là nơi đặt ngọn hải đăng đồ sộ nhất khu vực miền Trung. Hơn trăm năm qua, Cù Lao Xanh vẫn là người bạn chung thủy của những đoàn đánh cá từ mọi miền đất nước qua đây, ánh sáng của Cù Lao Xanh là niềm tin và hy vọng của những đoàn thuyền trong những đêm giông bão trên biển.
Giống như tên gọi của đảo, Cù Lao Xanh được bao phủ bởi màu xanh của những thảm thực vật và cây rừng còn như nguyên sơ. Từ trên núi, dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống – toàn cảnh Cù Lao Xanh hiện ra bốn bề là biển cả. Bãi trước là cát trắng nhìn vào đất liền, nơi đây một bộ phận dân cư sống bằng nghề biển với vỏn vẹn khoảng 600 mái nhà, vài trăm phương tiện nghề đánh cá nhỏ ven bờ, ở giữa là vài thửa ruộng lúa nước chưa đầy 01ha. Còn bãi sau là bãi đá, những tảng đá to lớn xếp chồng lên nhau như những “tòa nhà vững chắc”, đủ sức chống chọi với sóng gió biển qua bao đời nay để giữ bình yên cho đảo.
Đã bao đời nay, người dân trên đảo sống nhờ vào nguồn đánh bắt hải sản ven bờ, cũng bởi công nghệ đánh bắt cá hiện đại với những tàu cá có công suất lớn để đánh bắt xa khơi thì người dân chưa đủ sức để đầu tư. Chính vì lẽ đó, nguồn tài nguyên hải sản ven bờ dần cạn kiệt cũng là lúc thanh niên trai tráng, lớp trẻ rời đảo vào đất liền kiếm kế sinh nhai. Trên đảo ngày thường chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, sống nhờ vào nguồn tiền do con cái từ đất liền gửi về và một ít tôm, cá bắt được từ những chiếc thuyền thúng đánh bắt gần bờ.
Thuộc diện xã đảo nghèo của tỉnh Bình Định, Cù Lao Xanh từng có thời điểm được gọi là “hòn đảo của người già”, vì dân số đảo giảm theo từng năm, có thời điểm chỉ còn gần 500 hộ với khoảng 2.000 dân. Các lớp thanh niên của đảo lớn lên đều vào đất liền kiếm kế sinh nhai để tìm cách vượt qua được “cái khó ba đời”, mà đa số người dân trên đảo đã trải qua bao đời nay; còn thanh nữ thì có thêm ước mơ… có ngày về nhà chồng ở một vùng quê đất liền nào đó; do vậy chỉ còn lại người già bám trụ lại đây để giữ lấy mảnh đất mà cha ông để lại. Kinh tế biển từng là mũi nhọn của đảo Cù Lao Xanh, thì nay cũng đang mất dần lợi thế. Theo chính quyền địa phương, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm cao nhất cũng chưa tới 1.000 tấn, và ngày càng giảm mạnh, có năm chưa đạt 400 tấn, do dân biển mà không có phương tiện lớn để ra khơi xa; còn cá, tôm, mực ven bờ đã bị dân “tứ phương” đến khai thác bằng thuốc nổ, đèn pha nên cũng gần như cạn kiệt.
Theo định hướng phát triển của lãnh đạo tỉnh Bình Định, TP Quy Nhơn các nhiệm kỳ trước sẽ xây dựng Cù Lao Xanh là một khu du lịch biển đảo, một khu công nghiệp sạch, không khói, một khu dịch vụ sửa chữa phương tiện đường thủy, một trạm cung cấp lương thực, nhiên liệu, đá lạnh cho những đoàn tàu đánh cá ra Bắc vào Nam. Tất cả điều đó sẽ thành hiện thực nếu đảo có một nguồn điện đảm bảo ổn định, liên tục, chất lượng.
Trước đây, từ những năm 1995, đảo Cù Lao Xanh đã được Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung) và UBND tỉnh Bình Định có phương án cấp điện bằng máy phát điện diesel tại chỗ, với 2 máy phát điện Volla công suất mỗi máy 125kVA, được điều từ trạm phát điện huyện Hoài Ân về. Và những năm sau đó, UBND TP Quy Nhơn đã bổ sung thêm 2 máy phát có công suất 300kVA, 400kVA, để đáp ứng tình hình nhu cầu điện sinh hoạt cho bà con. Để hỗ trợ người dân trên đảo, UBND tỉnh Bình Định, TP Quy Nhơn hỗ trợ mỗi năm 3 – 4 tỷ đồng kinh phí dầu chạy máy phát điện phục vụ điện cho bà con sinh hoạt, ban ngày từ 9 giờ đến 15 giờ, còn ban đêm từ 17 giờ đến 23 giờ. Cũng từ đó mà một số gia đình người dân trên đảo sắm ti vi, tủ lạnh, máy giặt để phục vụ cuộc sống gia đình tiện nghi hơn. Nhưng máy phát điện vận hành lâu, thường xuyên hư hỏng nên không đáp ứng được cho nhu cầu phụ tải phát triển phụ tải tối thiểu trên đảo, do vậy mà tình trạng bị thiếu nguồn, phải sa thải luân phiên các phụ tải dùng điện trên đảo là thường xuyên “như cơm bữa”. Điện trên đảo rất quý, vì vậy ý thức tự giác tiết kiệm điện không chỉ có trong từng gia đình ở đảo Cù Lao Xanh mà còn ở các đơn vị tập thể công tác tại hòn đảo tiền tiêu này. Doanh trại bộ đội, đồn biên phòng, cơ quan đèn biển quản lý hải đăng và các cơ quan chính quyền đều lắp đặt thêm các hệ thống điện gió, pin mặt trời công suất nhỏ để tận dụng nguồn điện thiên nhiên quý giá, nhưng tình trạng thiếu điện để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế xã hội vẫn không được cải thiện bao nhiêu.
Cù Lao Xanh bình yên như nàng thơ khi trời yên biển lặng, nhưng cũng cuồn cuộn sóng cồn khi giông bão ập đến, cắt đứt mọi liên lạc, giao thương với đất liền. Trong những ngày giông bão, thứ người dân cần nhất vẫn là điện để sinh hoạt; “không có điện làm việc gì cũng khó”, có điện trong lúc biển động sẽ cứu chữa cho người dân khi có cấp cứu hay ốm đau bởi không thể vận chuyển vào đất liền, cá đánh bắt được không phải đổ bỏ nữa vì sẽ có thiết bị lạnh để bảo quản. Biết vậy nhưng bao đời nay, điện lưới Quốc gia vẫn là niềm mong mỏi của bà con nơi xã đảo nghèo này.
Xã đảo Nhơn Châu được Chính phủ công nhận là xã đảo vào năm 2015, là niềm vui của người dân trên đảo và cũng là khởi đầu đầy gian khó của một đơn vị hành chính nằm giữa biển khơi, nơi có vị trí chiến lược trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Quốc gia. Niềm vui mang theo hy vọng về sự quan tâm hơn của thành phố, tỉnh, trung ương và ngành điện trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, việc làm của người dân. Và điện luôn đi đầu trong tiến trình ấy. Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho cho xã đảo Nhơn Châu của tỉnh Bình Định từ lưới điện Quốc gia thuộc Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” do Chính phủ triển khai và sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại do Liên minh Châu Âu tài trợ. Và tháng 9/2016, người dân Cù Lao Xanh đón tin mừng khi UBND tỉnh Bình Định đã duyệt chủ trương đầu tư Dự án cấp điện cho xã đảo từ lưới điện Quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển. Dự án với tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng và giao cho UBND TP Quy Nhơn làm chủ dự án.
Thế nhưng cũng từ đó, người dân trên đảo mòn mỏi đợi chờ điện lưới Quốc gia về phục vụ sinh hoạt cho bà con trên đảo. Một người dân sống trên đảo chia sẻ: “Nhiều năm nay mỗi lần tiếp xúc Đoàn Đại biểu Quốc hội, tỉnh, thành phố hay các lãnh đạo tỉnh về thăm dân xã đảo chúng tôi, đều hứa hẹn sẽ mang điện về cho bà con thế nhưng bà con cứ đợi, đợi mãi, hết lớp cán bộ này thay thế lớp cán bộ khác mà bà con vẫn chưa có điện để sinh hoạt như trong đất liền”.
Trạm phát Diesel Nhơn Châu sắp hoàn thành sứ mệnh lịch sử.
Lời giải nguồn điện cho đảo sau 45 năm giải phóng Quy Nhơn
Nhưng rồi niềm vui, niềm hy vọng của bà con cũng đã đến, khi mà ngày 12/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển giao dự án cho ngành điện thực hiện, và ngày 15/10/2018, dự án chính thức được giao cho Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) làm chủ đầu tư và Ban QLDA Điện Nông thôn miền Trung (CPCCREB) được giao nhiệm vụ quản lý dự án trọng điểm này. Dự án Cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu nhằm cung cấp điện ổn định cho người dân và các cơ quan, tổ chức trên đảo. Dự án gồm 4 hạng mục chính: đầu tiên là ngăn xuất tuyến 22kV tại trạm biến áp 110kV thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên và điện lưới Quốc gia từ xuất tuyến này sẽ cung cấp cho xã đảo Nhơn Châu; hạng mục 2 là hơn 10 km cáp ngầm 22kV một mạch xuyên biển; hạng mục 3 là lưới điện trên xã đảo Nhơn Châu với 2 trạm biến áp 250kVA và 400kVA, gần 5,6 km đường dây; hạng mục 4 là hệ thống viễn thông và cáp quang thông tin cùng theo tuyến cáp quang. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 351,5 tỷ đồng; trong đó vốn do EU tài trợ khoản 280 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của EVNCPC.
Thi công cáp ngầm vượt biển cấp điện cho đảo Cù Lao Xanh.
Ngày 31/7/2020, bước ngoặt bản lề mang tính quyết định thành công trong thực hiện Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu là Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương – đơn vị thi công tuyến cáp ngầm xuyên biển đã hoàn thành rải 10km cáp ngầm dưới đáy biển từ điểm đầu lấy điện tại trạm biến áp 22kV Hòa An từ xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) và cập bờ tại điểm cuối trên xã đảo Nhơn Châu. Và những người thợ điện miền Trung đang khẩn trương hoàn thành khối lượng công việc còn lại để đấu nối đường cáp ngầm với lưới điện 22kV trên đất liền, trên đảo, phấn đấu hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch tiến độ, đóng điện trong tháng 8/2020, đáp ứng kỳ vọng, niềm tin của lãnh đạo EVNCPC và mong mỏi của người dân trên đảo.
Hoàn thành và đóng điện Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu là một trong những công trình trọng điểm trong năm 2020, chào mừng 45 năm Ngày thành lập EVNCPC (07/10/1975 – 07/10/2020). Dự án hoàn thành sẽ đánh dấu ghi nhận như là sự nỗ lực vượt bậc của ngành điện miền Trung trong quyết tâm phủ kín điện lưới đến toàn bộ đảo xã dọc vùng duyên hải miền Trung. Trước đây dự án cấp cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hay đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) được đánh giá là bước ngoặt quan trọng trong sự chuyển mình làm chủ công nghệ, thì nay dự án cấp điện cho xã đảo Nhơn Châu là sự tiếp bước những thành công đó và dựa trên một nền tảng vươn mình lớn mạnh mới của những người thợ điện miền Trung. Đưa điện về Cù Lao Xanh là thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao, đây quyết tâm chính trị của EVNCPC trong việc xóa “vùng trắng” điện lưới Quốc gia khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là các hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Điều đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình yêu biển đảo, là trách nhiệm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc của ngành điện miền Trung.
Công nhân Điện lực Quy Nhơn vận chuyển vật tư để cấp điện cho đảo Cù Lao Xanh.
“Đối với Cù Lao Xanh, đầu tư không chỉ hiệu quả về kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, mà đây là nội dung lớn trong chiến lược bảo vệ biển đảo”, ông Lê Hữu Lộc – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã khẳng định. Hơn thế nữa, nếu mô hình khai thác các điểm đến còn hoang sơ từng thành công tại Bình Định được nhân rộng và áp dụng tại Cù Lao Xanh, hòn đảo ngọc này kết hợp với Eo Gió – Kỳ Co – Quy Nhơn sẽ tạo thành một chuỗi các điểm đến tiêu điểm của tỉnh, nâng tầm thương hiệu du lịch đang lên của vùng đất này. Hai năm gần đây, đảo bắt đầu phát triển mạnh lĩnh vực du lịch, các homestay, nhà nghỉ, quán sá kinh doanh ăn uống phát triển khá nhanh nhưng ngặt nỗi thiếu điện nên chất lượng phục vụ bị hạn chế
Ông Nguyễn Đức Toàn, chủ một homestay ở thôn Tây, cho biết: “Hiện nay gia đình tôi đã xây dựng 6 phòng homestay để du khách đến tham quan, du lịch tại đảo có nơi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, với khả năng cung cấp điện của Trạm điện Nhơn Châu không đảm bảo, gia đình phải đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để mua máy phát điện, cung cấp cho hệ thống quạt, điều hòa, sinh hoạt của du khách. Khỏi phải nói là tôi vui mừng như thế nào khi trực tiếp chứng kiến cáp ngầm vượt biển cập bờ trên xã đảo Nhơn Châu”.
Cùng chung niềm vui, ông Lê Trọng Tàu, một ngư dân làm nghề nuôi trồng thủy sản trên đảo, phấn khởi: Có nguồn điện ổn định thì chắc chắn đời sống của người dân đi lên. Trước đây, mỗi khi đánh bắt được con cá, con tôm nhưng không kịp chở vào đất liền để bán trong ngày liền bị ươn do không đủ điều kiện bảo quản. Thiếu điện làm cho các ngành nghề hậu cần cũng kém phát triển, muốn có đá lạnh để ướp hải sản cũng phải phụ thuộc vào đất liền chở ra, mùa mưa bão thì còn khó khăn hơn vì tàu thuyền đâu dám ra đảo.
Những ngày này ở bất cứ đâu trên đảo đều bắt gặp không khí phấn khởi, rộn ràng, những ánh mắt hân hoan, những nụ cười, những niềm vui của người dân trước sự kiện trọng đại mang tính lịch sử: Điện lưới Quốc gia đã về tới đảo Cù Lao Xanh – một cơ hội mới, vận mệnh mới đã mở ra cho người dân trên đảo. Và chắc chắn là lớp thanh niên của đảo đang làm ăn, học tập trên đất liền cũng sẽ quay trở về đảo để đóng góp kiến thức, trí tuệ, công sức của tuổi trẻ để cùng chung tay xây dựng đảo quê nhà phát triển giàu mạnh!
….Một ngày mới đã bắt đầu trên đảo Cù Lao Xanh.