Vướng mặt bằng, đường dây 500 kV mạch 3 khó về đích
Phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB), thay mặt Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) quản lý dự án đường dây 500 kV mạch 3 về các vướng mắc xung quanh các dự án này.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Các dự án đường dây 500 kV mạch 3 bao gồm 3 dự án: Đường dây 500 kV Nhiệt điện Quảng Trạch – Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Đường dây 500 kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi – Pleiku 2, có tổng chiều dài 742 km, với tổng số 1.606 vị trí cột, đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai. Đây là các dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đất nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng giai đoạn từ năm 2020 trở đi; đồng thời tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc – Nam.
Tuy nhiên do việc bồi thường giải phóng mặt bằng không đáp ứng tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao nên dự kiến đến cuối năm nay mới đóng điện các dự án này.
Phóng viên: Xin ông cho biết đến thời điểm này, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án này ra sao ?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Đến thời điểm đầu tháng 7 này, còn lại 2 địa phương chậm nhất trong bồi thường giải phóng mặt bằng là Quảng Nam và Quảng Ngãi. Bên cạnh đó có tỉnh thứ ba nữa là Hà Tĩnh, qua khu giáo dân. Vừa rồi Ban đã làm việc với tỉnh thì 5/8 vị trí được giải quyết trước, còn 3 vị trí khu dân cư sẽ chậm một chút do phải làm đầy đủ các thủ tục để tuyên truyền, vận động người dân khu vực giáo xứ.
Đối với tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù còn 15-16 vị trí móng nữa thôi nhưng ở khu vực trạm 500 kV Dốc Sỏi, tất cả các hộ dân trong khu vực đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng còn các hộ dân ở phía ngoài do họ chiếm vùng đất khoảng 2,47 ha ruộng nên yêu cầu đền bù để di chuyển.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm việc với tỉnh Quảng Ngãi thì tỉnh đồng thuận nhưng mà đến khi trình văn bản để thu hồi, tỉnh lại cho rằng không đủ điều kiện để thu hồi và yêu cầu phải làm tất cả các thủ tục khác, có nghĩa là làm kênh mương, đường đi để cho người dân ở đây sản xuất. Mặc dù vậy, đến khi chúng tôi họp với các hộ dân thì người dân vẫn không đồng tình, yêu cầu phải đền bù và họ chắn đường đi vào khu vực thi công. Lực lượng địa phương đã tháo rào chắn thì hôm sau họ lại dựng lại mà càng ngày càng kiên cố hơn.
Trên cơ sở đó, CPMB cũng rất nhiều lần làm việc với EVNNPT, làm việc với tỉnh, đồng thời tỉnh cũng chỉ đạo nhưng chưa có cái gọi là quyết liệt của câu chuyện này. Nếu giải quyết được nút thắt này thì khi bảo vệ thi công trong vòng khoảng hai tuần nữa, toàn bộ phần vật tư, thiết bị để đưa vào trạm cũng như là phần thi công trong trạm coi như xong.
Điểm găng thứ ba là tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm hiện nay tỉnh mới bàn giao được 217/268 vị trí, đạt khoảng 82%. Đây là địa phương giao mặt bằng thấp nhất, với khối lượng còn lại rất lớn và đồng thời phần hành lang tuyến để phê duyệt trả tiền chậm. Để giải quyết tình trạng chậm trễ này, chúng tôi gần như thường xuyên trao đổi, làm việc với các huyện nhằm tìm cách tháo gỡ, nhưng các thủ tục liên quan về phê duyệt giá đất, các thủ tục trình phê duyệt cũng như xác định nguồn gốc đất, đặc biệt là đất rừng và một số kiến nghị của người dân vẫn chưa được tìm cách giải quyết.
Phó Chủ tịch thường trực của tỉnh Huỳnh Khánh Toàn vừa trực tiếp đi làm việc với từng huyện cụ thể. Về phần giải phóng mặt bằng tôi cho rằng nếu tập trung giải quyết trong tháng 7 này thì gần như các vị trí móng phải bàn giao dứt điểm trong tháng 7.
Trên cơ sở tiến độ bàn giao mặt bằng như thế thì phần đào đúc móng được khoảng 82%, còn dựng cột mới được 50%. Riêng khối lượng vật tư thiết bị của dự án này cho đến thời điểm hiện nay tôi cho rằng về cơ bản đáp ứng tiến độ như cột thép, cách điện từ Thụy Sĩ, từ Nga, từ Tây Ban Nha đang giao những chuyến hàng cuối cùng. Mặc dù dự án chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng CPMB cũng tìm mọi cách đôn đốc các nhà thầu hỗ trợ tối đa.
Hiện tại chúng tôi có một gói thầu về tụ điện theo hợp đồng thì phải tháng 10 mới về nhưng đương nhiên sẽ có một số chậm hơn một chút. Với tiến độ cấp vật tư thiết bị và tiến độ thi công như hiện nay, chúng tôi cố gắng điều hành để làm sao đảm bảo đóng điện các dự án trong Quý 4/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó, chúng tôi sẽ đóng điện trước đoạn Dốc Sỏi – Pleiku 2 trong khoảng tháng 10.
Phóng viên: Từ thực tế này xin ông cho biết trong quá trình triển khai xây dựng các dự án truyền tải thường gặp những khó khăn gì ?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Như tôi đã nói ở trên, trong thời gian qua, việc bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án này, kể cả các dự án năng lượng tái tạo thì chúng tôi cũng phải làm đúng theo trình tự quy định của chế độ chính sách, với cách làm tăng cường vận động và nhiều cấp vận động để người dân hiểu, chấp hành. Với các chủ đầu tư bên ngoài khi đảm nhận thi công các công trình điện thì thủ tục đơn giản hơn, tất cả các thủ tục phê duyệt của họ rất nhanh.
Còn chính quyền các địa phương khi phê duyệt phương án bồi thường cho các nhà đầu tư thì cũng phải theo quy định.
Năm nay CPMB có kế hoạch đóng điện 28 dự án và khởi công 12 dự án với khối lượng đầu tư 5.984 tỷ đồng, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng điều hành để vượt kế hoạch này, tăng khoảng 154%.
Phóng viên: Ngoài các dự án đường dây mạch 3, CPMB còn triển khai các dự án nào cũng đang vướng về bồi thường giải phóng mặt bằng, thưa ông ?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Với đường dây 220 kV Quảng Ngãi – Quy Nhơn chậm tiến độ 2 năm thì chúng tôi đã đóng điện. Riêng đoạn từ Phù Cát tới Quy Nhơn, từ đoạn ấy ra Quảng Ngãi chỉ còn một khoảng néo, còn mấy vị trí từ 18-21 nhưng 6 hộ dân kiên quyết không nhận, địa phương đã 2 lần cưỡng chế nhưng không được. Chúng tôi đã kiến nghị có thể là địa phương bố trí đất thì chúng tôi bố trí chi phí hỗ trợ di dời, hoặc tăng mức hỗ trợ, nhưng địa phương không đồng tình, các sở ban ngành vẫn cứ đề xuất tỉnh là không chấp thuận phương án này.
Tôi đã từng kiến nghị trong trường hợp không giải quyết mức hỗ trợ địa phương phải bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế để cho đơn vị thi công triển khai nhưng đến nay đoạn tuyến này vẫn dậm chân tại chỗ. Dự án này chính là cấp điện cho Quảng Ngãi, nhưng tỉnh lại không kiên quyết gỡ vướng.
Phóng viên: Ngoài vướng mắc trên thì vướng mắc phải chuyển đổi đất rừng cũng là một thực tế đang diễn ra ở không ít các dự án truyền tải điện. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Theo tôi, trước hết là thủ tục chuyển đổi đất rừng rất phức tạp. Đầu tiên là từ tư vấn điều tra xong đến kiểm lâm để xác định các loại rừng rồi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ. Trước là Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng giờ là Thường trực Chính phủ.
Chúng tôi có những dự án 2 năm chưa xong thủ tục chuyển đổi đất rừng là khu vực giải tỏa phía Tây Bắc, trạm Nghĩa Lộ, cho đến vừa rồi tất cả các tỉnh mới trình lại thủ tục nhưng chưa xong. Trên cơ sở này lại phải có quy hoạch sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nghĩa là quy hoạch điện phải đi đôi với quy hoạch sử dụng đất.
Nếu Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Bộ Nông nghiệp kiểm tra mà các dự án nàykhông có trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh là phải làm lại, bổ sung ngay từ đầu. Cho nên vừa rồi chúng tôi cũng báo cáo Tổng công ty trong tổng số 8 dự án truyền tải bắt đầu triển khai phải dành một khoảng đất để cho ngành năng lượng. Ví dụ như tỉnh Ninh Thuận đã dành vài trăm hecta đất cho phát triển năng lượng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông !
Theo trang tin điện tử ngành điện.